Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

KINH HỌC


    Trang bìa của cuốn sách
          Trong cuốn Tôn Kinh Các Ký Vương Dương Minh có viết: “Kinh, thường đạo dã” (Kinh là thường đạo). Cái gọi là thường đạo, tức là đạo hằng thường của thế gian, chẳng thế thay chuyển. Cổ nhân ghi chép cái đạo hằng thường đó thành sách, gọi là kinh tịch (kinh sách). Hậu nhân thông qua việc học tập kinh sách, tìm hiểu bản ý của cổ nhân qua các trước tác của họ rồi từ đó có cách thức xiển phát những cái đã được học thì gọi là kinh học. Bắt đầu từ đời Hán, Kinh học đã khá thịnh, nhưng việc sửa sang, đính chính kinh sách để đời sau có tài liệu nghiên cứu thực phải bắt đầu từ Khổng Tử. Phạm vi của Kinh học bao hàm rất rộng, [mỗi thời có cách xem xét khác nhau] các nhà Nho đời Hán sử dụng phương pháp Huẫn hỗ học để cắt nghĩa kinh điển, còn các nhà Nho đời Tống lại dựa vào phạm trù tính lý để giải thích kinh điển, các phương pháp này đều nhằm hiểu được nội dung của kinh điển nhưng trên thực tế vẫn chưa thể hiểu được một cách triệt để. Đến nay nội dung của Kinh học ít nhất cũng có thể chia thành ba vấn đề như sau:

         1. Triết học cổ đại: Kinh sách ghi chép, đa phần là lí luận văn học. Như chúng ta đã biết, từ trước đến nay Khổng tử đã được công nhận là một đại triết gia thời cổ của Trung Quốc. Tên gọi Triết học, tuy có nguồn gốc từ Tây Âu, nhưng Trung Quốc từ thời Đông Chu trở về sau, bách gia đều hứng khởi, các học thuyết hưng thịnh vô cùng, thực cũng đã trở thành thời kỳ phát triển của các tư tưởng triết học. Nếu nghiên cứu triết học Trung Quốc thời cổ đại, cũng nên bắt tay vào nghiên cứu từng thời kỳ một. Nghiên cứu về bách gia chư tử, đều phải dựa trên các sách kinh điển của các lưu phái, tìm hiểu đến ngọn nguồn bản chất của nó, trước phải dựa vào kinh sau mới đến tử, để hình thành một hệ thống rõ ràng. Có thể đọc cuốn Trung quốc triết học sử đại cương của Hồ Thích để thấy đây không phải là lời nói xằng.

         2. Sử học cổ đại: Sử dụng văn tự để ghi chép chính sự là việc làm quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia. Thời Hoàng đế đã lập sử quan, tả sử để ghi những lời nói, hữu sử để ghi chép những việc làm, thực là để hậu thế làm cái gương răn giới cho mình. Nay thư tịch của thời Hoàng đế không thể kháo xét được, còn những ghi chép về các thời Ngu, Hạ, Thương, Chu đều thấy trong sách Thượng Thư. Đó là những bằng chứng xác thực nhất về lịch sử của chính trị Trung Quốc. Thi, tuy là những lời ca vịnh thể hiện tình cảm nhưng cũng có thể căn cứ vào đó để khảo xét được phong tục của các nước. Xuân thu là cuốn sử biên niên ghi chép những sự việc do các sử gia lựa chọn. Các kinh khác đều có thể là căn cứ, là tư liệu nghiên cứu về lịch sử, nhưng cũng không thể chỉ ngay ra được các dữ kiện lịch sử trong đó. Do vậy Tư Mã Thiên soạn Sử ký, mọi người đều có thể thấy được lịch sử nước nhà qua cuốn sách này. Cho dù thế nào đi nữa muốn nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung quốc, không dựa vào kinh cũng chẳng thể hiểu được.

        3. Văn học cổ đại: Khổng Tử sửa chữa, hiệu đính kinh sách, thực là một tập đại thành văn học đời thượng cổ.  Văn của kinh sách, không thể tài gì là không có, không vẻ đẹp nào là không hoàn bị. Lưu Hiệp, trong thiên Tông Kinh sách Văn tâm điêu long có nói: “Các thể tài Luận, thuyết, giải, tự đều lấy Kinh dịch là khởi đầu; Chiếu, sách, chương, tấu khởi nguồn từ Kinh Thư; Phú, tụng, ca, tán vốn căn rễ từ Kinh thi; Minh, Lụy, châm, chúc bắt đầu từ kinh Lễ; Ký, truyện, di, hịch có nguồn gốc từ Xuân Thu”. Hàn Dũ, Liễu Tông nguyên đều là hai đại gia của văn học Trung Quốc. Hàn Dũ từng nói: “Kinh Dịch lạ kỳ nhưng có quy củ; Kinh Thi ngay thẳng mà tinh túy; Kinh Xuân Thu thận trọng mà nghiêm cẩn; Tả thị phù phiếm mà khoe khoang”. Liêu Tông Nguyên từng nói: “Kinh Thư đề cầu sự chất phác, chân thật; Kinh Thi để cầu sự lâu dài, hằng thường; Kinh Lễ để cầu sự hài hòa, thích nghi; Kinh Xuân Thu để cầu sự tách bạch, rõ ràng; Kinh Dịch để cầu sự vận động, chuyển vận”. Như thế là có thể biết được các kinh đều là sự kết tinh của văn học cổ đại, hậu thế nghiên cứu về văn học cổ đại, chắc chắn không thể không dựa vào các kinh này vậy.
Hà Nội
Ngày 9/1/2011
(Nguồn dịch từ: 朱剑芒Chu Kiếm Mang, 经学提要Kinh học đề yếu, 世界书局印行Thế giới thư cục ấn hành, 1929, trang 1 - 4)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét