Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

TƯ LIỆU THI KINH TRONG THƯ KINH DIỄN NGHĨA CỦA LÊ QUÝ ĐÔN


Cùng với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, vào thời trung đại nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa Hoa Hạ. Hàng loạt các sách vở của Trung Quốc được tràn vào Việt Nam, trong đó Tứ Thư – Ngũ Kinh, những sách kinh điển của Nho gia được ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, sau này trở thành tài liệu chính thống cho giáo dục, thi cử, tuyển chọn người tài. Hầu hết các kinh điển Nho giáo đều được các Nho sĩ Việt Nam đón nhận, xử lí để cho phù hợp với sự tiếp nhận của người Việt, có nhiều tác phẩm kinh điển Nho giáo được diễn ra Nôm, trong bài viết này chúng tôi muốn đi tìm hiểu Kinh thi – một trong những bộ Kinh khá quan trọng của Nho gia. Về Kinh Thi chữ Nôm thì theo sự thống kê của Th.S Nguyễn Tuấn Cường [1], có “04 tác phẩm Kinh thi chữ Nôm chỉ biết đến qua lời truyền mà hiện chưa/không tìm thấy”, và qua khảo sát, tác giả đã thống kê và phân loại được “07 tác phẩm, 19 văn bản, 31 kí hiệu sách, với tổng số 5.368 trang”. Bên cạnh việc diễn Nôm Kinh Thi, các nhà Nho của ta cũng đã rất tinh tế trong việc áp dụng các câu chữ ở trong Kinh Thi mà chủ yếu là trong Thi tập truyện 詩集傳 của Chu Hy 朱熹vào việc sáng tác thơ văn. Như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan có hẳn một tập thơ mang tên Đa thức tập: vịnh về các sự vật, cây cỏ, điểu thú trong Thi Kinh. Bài viết này chúng tôi muốn tìm hiểu vốn tư liệu Thi Kinh được Lê Quý Đôn sử dụng khi ông viết tác phẩm Thư Kinh diễn nghĩa là như thế nào?
Trước tiên xin nói qua về nội dung của hai bộ kinh điển khá quan trọng của Nho gia đó là Kinh thiKinh thư mà chúng tôi sẽ tìm hiểu trong bài viết này. “Kinh thư là loại sách chép chế độ và văn chương của bốn đời cổ: Ngu, Hạ, Thương, (Ân) và Chu. Nội dung: Điển, Mô, Huấn, Cáo, Thệ, Mệnh. Điển: Chế độ kiến thiết của đời Đào Đường陶唐, Hữu Ngu有虞. Mô: Lời điều trần của quan đời Hữu Ngu有虞. Huấn: Lời khuyên bảo. Cáo: Lời răn người. Thệ: lời thế, khi dụng binh tức là bài hịch. Mệnh: Lời sắc mệnh敕命 của người trên ban khắp thiên hạ.” [2]. “Kinh Thi gồm có ba trăm mười một thiên. Trong số đó, chỉ có ba trăm lẻ năm thiên là đầy đủ, còn sáu thiên kia có đề mục nhưng không có lời....Mao Thi gồm có ba phần: (1)Quốc Phong: là những bài ca dao của dân các nước chư hầu, đã được nhạc quan sưu tập. Quốc Phong có 160 thiên, chia làm 15 quyển, mỗi quyển một nước, gồm có: Chính phong: Chu Nam và Thiệu Nam; Biến phong: Bội Phong, Dung Phong, Vệ Phong, Vương Phong, Trịnh Phong, Tề Phong, Ngụy Phong, Đường Phong, Tần Phong, Cối Phong, Tào Phong, Mân Phong. (2) Nhã: nghĩa là chính đính, gồm những bài hát ở nơi triều đình. Nhã chia ra làm hai phần: Tiểu Nhã: Những bài dùng trong trường hợp không quan trọng lắm như các buổi yến tiệc (75 thiên). Đại Nhã: Những bài dùng trong những trường hợp quan trọng như khi Thiên tử họp các vua chư hầu hoặc tế ở miếu đường (31 thiên). (3) Tụng: Nghĩa là khen ngợi, gồm những bài ca tụng các vua đời trước và dùng để hát ở chốn miếu đường. Tụng có tất cả 40 thiên, chia làm: Chu Tụng: 31 thiên; Lỗ Tụng: 4 thiên; Thương Tụng: 5 thiên.” [3]. Hai bộ kinh điển này vào nước ta và đã được các Nho sĩ ta tiến hành giải thích, chú giải, cắt nghĩa. Tiêu biểu đó là cuốn Thư Kinh diễn nghĩa của Lê Quý Đôn [4]. Cuốn sách là sự giải nghĩa Kinh Thư của Lê Quý Đôn, ông dựa trên vốn kiến thức uyên bác, cùng với việc tham bác chú giải của các nhà, Lê Quý Đôn đã tiến hành giải thích Kinh Thư theo quan điểm của ông, vì vậy cuốn sách này có khá nhiều điểm đặc sắc, thú vị. Trong quá trình giải thích Kinh Thư, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều các câu trong Kinh Thi được tác giả dẫn ra trong cuốn Thư kinh diễn nghĩa. Dưới đây là bảng thống kê các tư liệu Kinh Thi được trích dẫn trong Thư Kinh diễn nghĩa của Lê Quý Đôn, mang số kí hiệu A.1251, hiện cuốn sách này được lưu trữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.

STT
Thi tập truyện (Chu Hy chú, Trung Hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh, 1958)
Thư kinh diễn nghĩa của  Lê Quý Đôn
(A.1251 – Thư viện viện nghiên cứu Hán Nôm)
Tên bài
Nguyên văn chữ Hán, Phiên âm, Dịch nghĩa
Tên thiên
Nguyên văn chữ Hán, Phiên âm, Dịch nghĩa
1.       
Tư văn, Chu Tụng, Kinh thi
立我烝民莫匪爾極. Lập ngã chưng dân, mạc phỉ nhĩ cực (Tr.227) Khiến cho dân có gạo ăn, không gì không phải là đức tột cùng của Hậu Tắc. {Tr.806. Q.H}
Ngu Thư, Thuấn Điển
粒我烝民莫匪尔極。Lạp ngã chưng dân, mạc phỉ nhĩ cực[Tr.10a] (Kinh thi nói: Làm cho dân có gạo ăn, không gì không phải là đức tốt của Hậu Tắc) <Tr.89>
2.       
Phạt Mộc, Tiểu Nhã, Kinh Thi
乾餱以愆. Càn hầu dĩ khiễn. (Tr.104) Một chút lương khô không chia cho bạn mà đến nỗi mắc tội. {Tr.39. Q.Tr}
乾餱以愆Càn hầu dĩ khiễn[Tr.10b] ([Vì] tí lương khô [không chia cho bạn] mà đến mắc tội) <Tr.90>
3.       
Hành lộ, Thiệu Nam, Kinh Thi
厭浥行露...何以速我訟雖速我訟亦不女從. Yêm ấp hành lộ...Hà dĩ tốc ngã tụng. Tuy tốc ngã tụng, diệc bất nhữ tòng. (Tr.10). Ẩm ướt sương lộ trên đường đi. Lấy gì mà thưa kiện em. Tuy anh có thể thua kiện, nhưng em cũng chẳng theo về cùng anh được. {Tr.85-87. Q.Th}
行露速訟  [Tr.10b]
([Người con gái] biết giữ thân mình, đêm hôm sương xuống không chịu đi một mình mà bị đứa dâm bạo đem kiệu  để lấy ép) <Tr.90>
4.       
Hoàng hĩ, Đại nhã, Kinh thi
臨下有赫監觀四方. Lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương. (Tr.183) Thượng đế soi xét sáng suốt, xét soi khắp bốn phương. {Tr.537. Q.H}
Duyệt Mệnh Thượng
臨下有赫鉴觀四方 Lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương.  [Tr.42a]
([trời cao] trông xuống [thiên hạ] rõ ràng, soi xét bốn phương) <Tr.157>
5.       
Chước, Chu tụng, Kinh thi
於鑠王師遵養時晦時純煕矣是用大介. Ô thước vương sư, tuân dưỡng thời hối. Thời thuần hi hỹ, thị dụng đại giới. (Tr.235) Ôi, Quân đội của Vũ vương thịnh thay, lúc thời cơ còn tăm tối thì bồi dưỡng sức quân. Lúc thời cơ đã sáng sủa, thì dùng hết sức quân mà thu lấy thiên hạ. {Tr.848. Q.H}
Duyệt Mệnh Trung
詩云於鑠王師遵養時晦時純熙矣是用大界 . Thi vân: Ô thước vương sư, tuân dưỡng thời hối, thời thuần hi hỹ, thị dụng đại giới [Tr.44a]
(Kinh thi nói: “Ôi! vĩ đại thay quân của nhà vua [Văn vương], lúc thời cơ còn tăm tối thì bồi dưỡng sức quân, lúc thời cơ đã hoàn toàn sáng sủa thì dùng hết sức quân thu lấy thiên hạ.<Tr.162>
6.      h
Chiêm ngưỡng, Đại nhã, Kinh thi
此宜無罪女反收之彼宜有罪女覆說之. Thử nghi vô tội, nhữ phản thu chi. Bỉ nghi hữu tội, nhữ phúc thoát chi. (Tr.220)
Người này vô tội, thì lại bắt giam. Người kia đáng tội, thì lại thả ra. {Tr.768. Q.H}
Vi Tử
彼宜無罪女反收之此宜有罪女覆脫之. Bỉ nghi vô tội, nhữ phản thu chi. Thử nghi hữu tội, nhữ phúc thoát chi.[Tr.47a]
(Người này không đáng tội ngươi lại bắt giam, kẻ kia đáng tội ngươi lại thả ra”
<Tr.168>
7.       
Chính nguyệt, Tiểu nhã, Kinh thi
訊之占夢. Tín chi chiêm mộng (Tr.130) Lấy việc đó để hỏi các quan nắm giữ việc chiêm mộng. {Tr.202. Q.Tr}
Thái Thệ Trung – Chu Thư
詩云訊之占夢. Thi vân: Tín chi chiêm mộng  [Tr.49b]
(Kinh thi nói: Đem việc ấy hỏi quan chiêm mộng) <Tr.174>
8.       
Bí Cung, Lỗ Tụng, Kinh thi
實始翦商. Thực thủy tiễn thương (Tr.240) Có lẽ đây là lúc bắt đầu cắt đứt cơ nghiệp của nhà Thương. {Tr.878.Q.H}
Vũ Thành
詩云實始剪商. Thi vân: Thực thủy tiễn Thương [Tr.55a]
(Kinh thi nói: Thật mới bắt đầu cắt diệt dân nhà Thương) <Tr.188>
9.       
Ân Vũ, Thương tụng, Kinh thi
維女荊楚居國南鄉 昔有成湯自彼氐羌 莫敢不來享莫敢不來王曰商是常. Duy nhữ Kinh Sở, cư quốc Nam hương. Tích hữu Thành Thang, tự bỉ Đê Khương. Mạc cảm bất lai hưởng, mạc cảm bất lai vương. Viết vương thị thường. (Tr.247) Duy chỉ có các ngươi nước Hình nước Sở, ở phía nam của Nhà Thương. Xưa đời vua Thành Thang, Tuy là các nước Đê, Khương ở xa, nhưng cũng không dám không về triều cống, không ai là không dám về trầu. Đó là phép thường của nhà Thương. {Tr. 918. Q.H}
詩曰維女荊楚居國南鄉昔有成湯自彼氐羌莫敢不來享曰商是常 . Thi viết: Duy nhữ Kinh Sở, cư quốc nam hương. Tích hữu Thành Thang, Tự bỉ Đê Khương, Mạc cảm bất lai hưởng. Viết Thương thị thường. [Tr.55b]
(Kinh thi nói: “Này nước Kinh Sở, các ngươi ở phía Nam nước ta [người khác cũng biêt]. Trước đây đời vua Thành Thang, ngay những nước Di Địch ở xa như nước Chí, nước Khương cũng chẳng ai dám không lại chầu vua. Họ tự nói rằng: “Đây là theo phép thường của nhà Thương) <Tr.188>
10.   
Ức, Đại Nhã, Kinh Thi
敬慎威儀維民之則. Kính thận uy nghi, duy dân chi tắc (Tr.205). Kính trọng lấy uy nghi của mình, Rồi mời làm nên phép tắc chung cho toàn dân chúng được. {Tr.666. Q.H}
輯柔爾顏不遐有愆. Tập nhu nhĩ nhan, bất hà hữu khiên. (Tr.206) [khi vua làm bạn với người quân tử] thì dung nhan sắc mặt của vua nhu hòa, (Vua lo lắng xét mình rằng) ta chẳng có lỗi gì sao? {Tr.673. Q.H}
慎爾出話 Thận nhĩ xuất thoại (Tr.205) Phải cẩn thận lời nói của ngươi nói ra. {Tr.670. Q.H}

Hồng Phạm
詩曰敬慎威儀維民之則又曰輯柔爾顏不遐有愆. Thi viết: Kính thận uy nghi, duy dân chi tắc, Hựu viết: Tập nhu nhĩ nhan, bất hà hữu khiên [Tr.61a]
又曰慎爾出話  Hựu viết: Thận ngôn xuất thoại [Tr.57a]
(Kinh thi nói: Kính cẩn, thận trọng, uy nghi, mới có thể làm khuôn phép cho dân chúng.
Kinh thi lại nói: Ôn tồn, êm dịu sắc mặt của người [để tiếp thu lời giáo huấn căn dặn]thì mới không đến nỗi có lỗi lầm”
Kinh thi nói: “Người nói ra câu gì thì phải cẩn thận) <Tr.206>
11.   
Tiểu biền, Tiểu nhã, Kinh thi
君子無易由言耳屬于垣. Quân tử vô dị do ngôn, nhĩ chúc vu viên.(Tr.141) Người quân tử không dễ nghe lời sàm nịnh, vì có kẻ kề bên tai vách mà nghe. {Tr.265. Q.Tr}
詩曰君子無易由言. Thi viết: Quân tử vô dị do ngôn [Tr.57a]
(Kinh thi nói: “Người quân tử không khinh thường, cứ nói mà không nghĩ) <Tr.206>
12.   
Thiên bảo, Tiểu nhã, Kinh thi
日用飲食羣黎百性遍為爾德. Nhật dụng ẩm thực, quần lê bách tính, biến vi nhĩ đức (Tr.105) Suốt ngày chỉ lo việc ăn uống, lê dân bách tính, tất cả đều làm được việc nhân đức như ngài {Tr.46. Q.Tr}
日用飲食遍為爾德. Nhật dụng ẩm thực, biến vi nhĩ đức [Tr.63a]
(Các đồ ăn thức uống thường dùng hàng ngày đều do đức của nhà Vua) <Tr.210>
13.    
Quyền A, Đại Nhã, Kinh Thi
伴奐爾游矣優游爾休矣豈第君子俾爾彌爾性...... 純假爾常矣Bán hoán nhĩ du hĩ, Ưu du nhĩ hưu hĩ, khởi đễ quân tử, Tỉ nhĩ di nhĩ tính.....Thuần hạ nhĩ thường hĩ. (Tr.198) Ngài nhàn hạ du chơi, ngài nhàn hạ nghỉ ngơi, khiến ngài được trọn tuổi thọ......Phúc lớn thì ngài được hưởng luôn. {Tr.624-626. Q.H}
伴奐爾游矣優游爾休矣俾爾彌爾性純假爾常矣 . Bán hoán nhĩ du hĩ, ưu du nhĩ hưu hĩ, bi nhĩ di nhĩ tính, thuần hạ nhĩ thường hĩ [Tr.63a, 63b]
Vua trên cũng được hưởng phúc nhàn hạ, ưu du, sống lâu, phúc lớn <Tr.210>
14.   
Vực Phốc, Đại Nhã, Kinh thi
追琢其章金玉其相勉勉我王剛紀四方 Đôi trác kì chương, kim ngọc kì tương, miễn miễn ngã vương, cương kỉ tứ phương (Tr.181) Trạm khắc cho văn vẻ đẹp lên, như vàng như ngọc cho tính chất cao quý hẳn lên. Đức của vua cứ gắng mãi không thôi, để sửa sang cả thiên hạ trong bốn phương {Tr.525. Q.H}
勉勉我王綱紀四方  Miễn miễn ngã vương, cương kỉ tứ phương [Tr.64a]
(Kinh thi nói: Vua Văn Vương luôn luôn chăm chỉ tác thành nhân tài để trị lí bốn phương )<Tr.212>
15.   
Văn Vương, Đại Nhã, Kinh Thi
王國克生維周之楨濟濟多士文王以寧 Vương quốc khắc sinh, duy Chu chi trinh, tể tể đa sĩ, Văn vương dĩ ninh (Tr.175) Chỉ có nước của vua Văn Vương mới sinh ra được lắm kẻ hiền sĩ ấy, để làm nòng cốt cho nhà Chu. Được kẻ hiền sĩ đông nhiều như thế, Văn vương mới được bình yên. {Tr.489. Q.H}
濟濟之寧 Tể tể chi ninh  [Tr.65a]
(Hiền sĩ đông đảo làm yên lòng vua Văn Vương) <Tr.214>
16.   
Quốc phong

Khang Cáo
東迁以後見於國風者淫蕩怠惰誣上行私. Đông vu dĩ hậu, kiến ư Quốc Phong giả, dâm đãng đãi nọa, vu thượng hành tư[Tr.79b]
Những thói xấu hiện ra ở Quốc phong, nào dâm đãng nào lười biếng, nào phỉ báng người trên, làm việc ích kỉ <Tr.248>
17.   
Hàn dịch, Đại Nhã, Kinh thi
溥彼韓城燕師所完以先祖受命因時百蠻 Phổ bỉ Hàn thành, Yên sư sở hoàn, Dĩ tiên tổ thụ mệnh, nhân thời bách man (Tr.215) Thành nước Hàn kia to lớn thay, Đã được dân chúng nước Yên xây cất xong. Vì tổ tiên của nước Hàn xưa kia chịu mệnh của vua, để cai trị trăm nước Man Di  {Tr.747. Q.H}
Thiệu Cáo
溥彼韓城燕師所完. Phổ bỉ Hàn thành, Yên sư sở hoàn [Tr.91a]
Thành nước Hán rộng lớn kia, do quân nước Yên xây dựng <Tr.273>
18.   
Văn vương, Đại nhã, Kinh thi
無念爾祖聿脩厥德永言配命自求多福殷之未喪師克配上帝宜鋻于殷駿命不易Vô niệm nhĩ tổ, Duật tu quyết đức. Vĩnh ngôn phối mệnh, tự cầu đa phúc. Ân chi vị táng sư,  Khắc phối thượng đế, Nghi giám vu Ân, Tuấn mệnh bất dị (Tr.175)  Há không nhớ đến ông nội của ngài Văn vương hay sao? Thì hãy trau dồi đức hạnh. Cho mãi mãi phù hợp với mệnh trời, để mình tự tìm lấy phuc lộc dồi dào. Lúc nhà Ân chưa mất thiên hạ, thì đức hạnh phù hợp với Thượng đế, Phải lấy việc nhà Ân mất nước mà làm gương. Mệnh trời to lớn thật không dễ giữ gìn đâu. {Tr.493.Q.H}
周公因商之孫子侯服于周而慨天命之靡常於是作詩勸成王聿脩厥德. Chu Công nhân Thương chi tôn tử hầu phục vu Chu, nhi khái thiên mệnh chi ma thường, ư thị tác thi khuyến Thành Vương duật tu quyết đức [Tr.91b]
Chu Công thấy con cháu nhà Thương quy phục nhà Chu, cảm thấy mệnh trời là không cố định [chỉ cho một dòng họ nào làm vua] bấy giờ mới làm thơ khuyên Thành Vương tu đức
<Tr.274>
19.   
Ức, Đại Nhã, Kinh thi
荏染柔木言緡之絲溫溫恭人維德之基Nhẫm nhiễm nhu mộc, ngôn mân chi ti, Ôn ôn cung nhân, Duy đức chi cơ (Tr.204) Cây dẻo dai mềm dịu, nói là có thể căng dây làm cung. Người ôn hòa cung kính, là nền tảng của đức hạnh. {Tr.676. Q.H}
Lạc Cáo
衛武公言温温恭人惟德之基. Vệ Vũ Công ngôn: Ôn ôn cung nhân, duy đức chi cơ” [Tr.97b,98a]
“Người khiêm cung hòa nhã, thật là nền tảng của Đức tốt” <Tr.290>
20.   
Gia Lạc, Đại Nhã, Kinh Thi
干祿百福子孫千億穆穆皇皇宜君宜王不愆不忘率由舊章 Can lộc bách phúc, Tử tôn thiên ức. Mục mục hoàng hoàng, nghi quân nghi vương. Bất khiên bất vong, suất do cựu chương (Tr.195) Thiên tử cầu lộc thì được trăm phúc, con cháu đông đúc, đều cung kính đẹp đẽ, đều làm chư hầu hoặc thiên tử, đều không có tội hoặc không có lỗi gì cả, đều được noi theo phép tắc xưa của tiên vương. {Tr.606. Q.H}
Thái Trọng chi Mệnh
大雅又云不愆不忘率由舊章. Đại Nhã hựu vân: Bất khiên bất vong, suất do cựu chương [Tr. 107a]
Thiên Đại Nhã lại có câu: “Làm không sai lầm, nhớ kĩ không quên, noi theo điển Chương cũ” <Tr.309>
21.   
Phá phủ, Mân Phong, Kinh thi
既破我斧又缺我斨周公東征四國是皇哀我人斯亦孔之將 Kí phá ngã phủ, hựu khuyết ngã thương. Chu Công đông chính, tứ quốc thị hoàng. Ai ngã nhân tư, diệc khổng chi tương. (Tr.96) Đã hư cây búa lỗ hình thuẫn của ta, Lại mẻ cây búa lỗ hình vuông của ta. Chu Công đi chinh phạt phía đông, Khiến cho các nước trong bốn phương đều sử mình đúng đắn. Lòng Chu Công thương xót quân sĩ, cũng rất là lớn vậy. {Tr.585. Q.Th}
Đa Phương
詩敬之曰四國是皇 Thi kính chi viết: Tứ quốc thị hoàng [Tr.108a]
Kinh Thi có bài ca tụng Chu Công rằng: “Bốn nước đã chỉnh đốn” <Tr.311>
22.   
Thập nguyệt chi giáo, Tiểu Nhã, Kinh Thi
抑此皇父豈曰不時胡為我作不即我謀徹我牆屋田卒汙萊曰予不戕禮則然矣Ức thử Hoàng Phủ, khởi viết bất thời, Hồ vi ngã tác, bất tức ngã mưu, triệt ngã tường ốc, Điền tốt ô lai, viết dư bất tường, lễ tắc nhiên hĩ (Tr.132) Ôi ông Hoàng Phủ, ngài há lại nói là dân đen chúng tôi lại chẳng rảnh rang công việc đồng ruộng. Tại sao ngài bắt chúng tôi làm việc cho ngài, mà lại không bàn tính với chúng tôi trước. Ngài phá vỡ nhà cửa tường vách của chúng tôi. Cho nên ruộng nương của chúng tôi, chỗ thấp thì nước ứ động, chỗ cao thì cỏ mọc rườm rà. Ngài lại nói ta chẳng hại các ngươi, đúng lễ thì người dưới phải phục vụ người trên là lẽ đương nhiên. {Tr.221. Q.Tr}
Lập Chính
厲王用好利之夷公幽王用孔聖之皇父豈不見此書耶. Lệ Vương dụng hiếu lợi chi Di Công, U Vương dụng Khổng thánh chi Hoàng phủ. Khởi bất kiến thử thư da. [Tr.113b]
(Vua Lệ Vương dùng Di Công là người tham lợi, Vua U Vương dùng Hoàng Phủ là kẻ tự cho mình là Thánh lắm, chắc họ không đọc thơ này chăng) <Tr.325>
23.   
Gia Lạc, Đại Nhã, Kinh thi
之綱之紀晏及朋有百辟卿士媚于天子不解于位民之攸塈 Chi cương chi kỉ, yến cập bằng hữu, bách tịch khanh sĩ, mị vu thiên tử, bất giải vu vị, dân chi du kí (Tr.195) Vua chăm việc nước được ổn định, thì bề tôi nhờ đó mà được bình yên. Hàng trăm bậc chư hầu và quan khanh sĩ, đều thương mến vua, không lười biếng trong chức vụ của mình, thì dân chúng được yên ổn nghỉ ngơi. {Tr.608. Q.H}
Chu Quan
故詩稱百辟卿士不懈于位. Cố Thi xưng: Bách tích khanh sĩ, bất giải vu vị [Tr.117b]
(Cho nên Kinh Thi có khen: “Trăm vua chư hầu và các quan khanh sĩ, chẳng có ai trễ nải chức vụ của mình”) <Tr.334>
24.   
Thập nguyệt chi giáo, Tiểu nhã, Kinh thi
抑此皇父豈曰不時胡為我作不即我謀徹我牆屋田卒汙萊曰予不戕禮則然矣Ức thử Hoàng Phủ, khởi viết bất thời, Hồ vi ngã tác, bất tức ngã mưu, triệt ngã tường ốc, Điền tốt ô lai, viết dư bất tường, lễ tắc nhiên hĩ (Tr.132) Ôi ông Hoàng Phủ, ngài há lại nói là dân đen chúng tôi lại chẳng rảnh rang công việc đồng ruộng. Tại sao ngài bắt chúng tôi làm việc cho ngài, mà lại không bàn tính với chúng tôi trước. Ngài phá vỡ nhà cửa tường vách của chúng tôi. Cho nên ruộng nương của chúng tôi, chỗ thấp thì nước ứ động, chỗ cao thì cỏ mọc rườm rà. Ngài lại nói ta chẳng hại các ngươi, đúng lễ thì người dưới phải phục vụ người trên là lẽ đương nhiên. {Tr.221. Q.Tr}
如皇文役民而曰予不戕禮則然矣 Như Hoàng Văn dịch dân nhi: “Viết dư bất tường, lễ tắc nhiên hĩ” [Tr.119b]
Như Hoàng Phủ bắt dân phục dịch mà lại nói: “Ta không làm hại dân, theo đúng lễ thì người dưới phải phục dịch người trên” <Tr.338>
25.   
Tiểu Mân, Tiểu Nhã, Kinh Thi
維邇言是聽維邇言是爭如彼築室于道謀是用不潰于成Duy nhĩ ngôn thị thính, duy nhĩ ngôn thị trang, như bỉ trúc thất vu đạo mưu, Thị dụng bất hội vu thành (Tr.137)  Chỉ những lời nông cạn thì được noi theo, chỉ những lời nông cạn thì được tranh luận, Như kẻ kia xây nhà mà đi bàn luận với người khách quan đường, Thì không đến được việc thành tựu vậy. {Tr.243. Q.Tr}
築舍难究于成蓄疑則敗謀矣. Trúc xá nan nghiên vu thành, súc nghi tắc bại mưu hĩ [Tr.119b]
Câu nói: “Làm nhà bên đường, gặp ai cũng bàn thì không bao giờ xong”, đấy là làm gì cũng nghi ngờ, do dự thì mưu đồ tất hỏng. <Tr.339>
26.   
Phần Chu Nam và Phần Thiệu Nam

論語不爲周南召南猶正墙面而立即不學墙面之義. Luận ngữ bất vi Chu Nam Thiệu Nam do chính tường diện nhi lập, tức bất học tường diện chi nghĩa. [Tr.120a]
Luận ngữ nói: “Không học thiên Chu Nam, thiên Thiệu Nam thì cũng như quay mặt vào tường mà đứng” nghĩa như câu: không học thì quay mặt vào tường” ở thiên này. <Tr.339>
27.   
Vực Phốc, Đại Nhã, Kinh Thi
渭彼涇舟蒸徒楫之周王于邁六師及之Vị bỉ kinh chu, chưng đồ tiếp chi, Chu vương vu mại, lục sư cập chi (Tr.181) (Chiếc thuyền trên sông Kinh lướt tới nhẹ nhàng, mọi người đều chèo nó, Vua nhà Chu ra đi, thì có sáu đạo quân đi theo bảo hộ. {Tr.523. Q.H}
Khang Vương chi cáo
詩云: 周王于邁六師及之. Thi vân: Chu Vương vu mại, lục sư cập chi. [Tr.125b]
Kinh thi nói: “Vua Văn Vương nhà Chu đi chinh phạt, sáu đạo quân vui lòng đi theo” <Tr.352>
28.   
Trường Phát, Thương Tụng, Kinh Thi
何天之休不競不球不剛不柔敷政優優百祿是道 Hà thiên chi hưu, bất cạnh bất cầu, bất cương bất nhu, phu chính ưu ưu, bách lộc thị đạo (Tr.245)  Gánh mang tất cả phúc lành của trời, Không gấp nhanh, không chậm chạp, không cứng cỏi, không yếu đuối, Truyền bác việc chính trị ra rộng rãi, Cho nên trăm điều phúc đều tự lại ở ngài. {Tr.911. Q.H}
Tất Mệnh
詩曰敷政優優百禄是道. Thi viết: Phu chính ưu ưu, bách lộc thị đạo [Tr.128b]
Kinh Thi nói: “Thi hành chính sách một cách khoan dụ, hòa bình thì lộc trời dồn đến” <Tr.358>
29.   
Chiêm ngưỡng, Đại nhã, Kinh thi
人有土田女反有之人有民人女覆奪之此宜無罪女反收之彼宜有罪女覆脫之 Nhân hữu thổ điền, nhữ phản hữu chi, nhân hữu dân nhân, nhữ phúc đoạt chi, thử nghi vô tội, nhữ phản thu chi, bỉ nghi hữu tội, nhữ phúc thoát chi (Tr.220) Người ta có ruộng đất, Thì vua lại giành lấy, người ta có nhân dân, thì vua lại cướp lấy, người này vô tội, thì lại đem bắt giam, kẻ kia có tội, thì lại tha cho nó. {Tr.768. Q.H}
Lã Hình
無罪收之有罪復脫. Vô tội thu chi, hữu tội phúc thoát.  [Tr.137a] “Người vô tội lại bắt giam, kẻ có tội lại tha ra” <Tr.378>
(Chú thích:(Tr.220): Số trang trong Thi tập truyện của Chu Hy, Trung Hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh, 1958
                 {Tr.768. Q.H}: Số trang và số quyển trong Kinh thi của Tạ Quang Phát dịch, 2 tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 2004. )
                  [Tr.137a]: Số trang trong Thư kinh diễn nghĩa của Lê Quý Đôn. Kí hiệu: A.1251, lưu trữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.
                  <Tr.378>: Số trang trong Kinh thư diễn nghĩa, dịch giả Ngô Thế Long, Trần Văn Quyền, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.)

Trên đây là bảng thống kê của chúng tôi về việc tư liệu Thi Kinh được sử dụng trong Thư Kinh diễn nghĩa của Lê Quý Đôn. Trên có sở đó chúng tôi đi xem xét tần số xuất hiện của Phong, Nhã, Tụng trong Thư kinh diễn nghĩa (xin xem bảng thống kê dưới đây):

STT
Phong – Nhã – Tụng
Tần số xuất hiện
Thư kinh diễn nghĩa
1
Phong
Thiệu Nam
1
Thuấn Điển
Mân Phong
1
Đa Phương
2
Nhã
Đại Nhã
13
Duyệt Mệnh thượng, Vi Tử, Hồng Phạm (4), Thiệu Cáo (2), Lạc Cáo, Thái Trọng chi mệnh, Chu Quan, Khang Vương chi cáo, Lã Hình
Tiểu Nhã
7
Thuấn Điển, Thái Thệ trung, Hồng Phạm (2), Lập Chính, Chu Quan (2)
3
Tụng
Chu Tụng
2
Thuấn Điển, Duyệt Mệnh trung,
Lỗ Tụng
1
Vũ Thành
Thương Tụng
2
Vũ Thành, Tất Mệnh
Tống số [5]
27
16 thiên

Qua bảng thống kê trên đây chúng tôi xin mạo muội rút ra một vài kết luận mang tính chủ quan của mình như sau:
Thứ nhất: Trong ba phần Phong, Nhã, Tụng của Kinh Thi. Phần Nhã và đặc biệt là Đại Nhã được trích dẫn nhiều trong Thư Kinh diễn nghĩa nhất. Đây là phần mà được sử dụng trong những trường hợp thiên tử tiếp đã chư hầu và tiếp đãi quần thần. Công việc tiếp đãi các nước chư hầu, và quần thần là một trong những công việc quan tọng bậc nhất đối với một vị vua. Bên cạnh đó chúng ta đều biết Kinh Thư là cuốn thư tịch chủ yếu nói về chính trị thời cổ của Trung Hoa, vì vậy mượn phần Đại Nhã – phần nói về cách ứng xử của vua và các quần thần, các nước chư hâu - của Thi kinh để làm rõ hơn đó là một việc làm cần thiết. Còn các phần khác như Tụng và Phong không được trích dẫn nhiều.
Thứ hai: Thiên mà được Lê Quý Đôn trích dẫn Kinh Thi nhiều nhất đó là thiên Hồng Phạm. Hồng Phạm là thiên nói về lời của Cơ Tử điều trần về đạo trời tới vua Vũ Vương. Như vậy có thể nói thiên Hồng Phạm là một thiên rất khó và khá quan trọng, để xiển phát ý nghĩa của thiên này không thể không dựa vào các kinh điển khác.
Thứ ba: Một vài hướng mở của bài viết. Bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc tập hợp, thống kê số lượng tư liệu Thi kinh xuất hiện trong Thư kinh diễn nghĩa của Lê Quý Đôn mà thôi. Còn lí giải việc trích dẫn tư liệu Thi Kinh trong Thư Kinh diễn nghĩa cũng như việc đối chiếu tư liệu Thi kinh trong Thư kinh diễn nghĩa của Lê Quý Đôn với Thư kinh tập truyện của Sái Trừng, việc tiếp nhận Thi Kinh của người Việt Nam là như thế nào thì xin để sang một chuyên luận khác.
Qua số lượng tư liệu Thi Kinh được trích dẫn trong Thư Kinh diễn nghĩa của Lê Quý Đôn đã chứng tỏ được rằng các nhà Nho xưa rất coi trọng Kinh Thi, bởi sự ảnh hưởng của nó tới các kinh điển khác là rất lớn. Vì vậy việc nghiên cứu sự ảnh hưởng của Thi Kinh tới Việt Nam vẫn còn là một mảng cần được tiến hành nghiên cứu.




Chú thích:
[1]: Xem bài viết: Nguyễn Tuấn Cường: Tư liệu Kinh thi chữ Nôm – Lược quan về trữ lượng, đặc điểm, giá trị, bài viết tham gia Hội nghị quốc tế về chữ Nôm lần thứ 2, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) và Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Mỹ) đồng tổ chức, diễn ra tại Huế, 5/2006, hiện đăng tại địa chỉ website: http://nomfoundation .org/Conf2006/abstracts.html.
[2] : Theo: Thẩm Quỳnh (dịch) – Kinh Thư, Bộ giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1965, Tr.20-21.
[3] : Theo: Tạ Quang Phát dịch: Kinh thi, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 2004, Tr.20-21.
[4] : Lê Quý Đôn (1726-1783), tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, người làng Diên Hà, trấn Sơn Nam hạ (nay là làng Phú Hiếu, huyện Diên Hà, tỉnh Thái Bình), sinh năm 1726 (niên hiệu Bảo Thái thứ 7), là con của Lê Phú Thứ, sau đổi là Lê Trọng Thư, đậu Tiến sĩ năm 1724 (niên hiệu Bảo Thái thứ 5), làm quan đến Hình bộ thượng thư, phong tước hầu. Thuở trẻ, nguyên Lê Quý Đôn tên là Lê Danh Phương, đã nổi tiếng thần đồng, các dã sử có chép nhiều truyền thuyết về sức cường kí, về trí mẫn tiệp của ông; 14 tuổi ông đã đọc hết Ngũ Kinh, Tứ Thư, Sử, Truyện và đọc đến cả Chư Tử, Bách Gia; trong một ngày ông có thể làm xong 10 bài phú, không phải nghĩ, không viết nháp. Năm 1739 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất), theo cha lên du học ở Kinh đô. Năm 1743, niên hiệu Cảnh Hưng Quý Hợi, năm ấy ông 18 tuổi, thi hương trường Sơn Nam, bài trúng hạng ưu, đậu giải nguyên. Sau đó vì lí do chính trị, tránh tên của Nguyễn Danh Phương, một thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân thời đó, nên đổi tên là Lê Quý Đôn, ở nhà dạy học và làm sách. Sách Lê Quế đường tiên sinh tiểu sử nói, hồi đó ông đã viết xong một trăm thiên sách, không rõ sách gì. Năm 1752, niên hiệu Cảnh Hưng thư 13, năm ấy ông 27 tuổi, thi khoa tiến sĩ, kì thi hội đậu đầu, vào thi đình cũng đậu đầu, trúng bảng nhãn. Sau đó ông được bổ nhiệm chức Thượng thư ở viện Hàn lâm. Năm 1754, mùa xuân được sung vào ban toản tu Quốc sử. Năm 1756, phụng mạng đi liêm phóng ở tỉnh Sơn Nam, phát giác được sáu, bảy viên quan ăn hối lộ. Đến tháng 5 năm ấy, được biệt phái sang phủ chúa, coi Binh phiên, làm bài điều trần 19 khoản nói về chức Chưởng binh phiên. Chúa Trịnh khen am hiểu điều lệ nhà nước, thưởng cho 50 lạng bạc. Năm 1757, được thăng Thừa chỉ, tước Dĩnh Thành bá; Sau vì bị gièm pha ghen ghét, ông xin nghỉ về nhà, viết sách, ta biết đích xác chính hồi này, ông làm xong bộ Toàn Việt thi lục. Đời Trịnh Sâm, Nguyễn Bá Lân tiến cử ông lên chúa Trịnh Sâm. Ông lại ra làm quan, làm quan đến chức Bồi tụng, tước Dĩnh Thành hầu; sau đổi ra làm hiệp trấn Nghệ An. Lúc mất ông được tặng Công bộ Thượng thư, Tước Dĩnh Quận công. Lê Quý Đôn là một nhà bác học có tài, biên soạn nhiều sách về nhiều mặt Kinh tế, triết học, văn học, sử học. Tác phẩm của ông tiêu biểu có: Lê Triều thông sử, Quốc sử tục biên, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Toàn Việt thi lục, Thư Kinh diễn nghĩa, Dịch Phu tùng thuyết, Quần thư khảo biện, Vân Đài loại ngữ... (Xem thêm tại: Trần Văn Giáp chủ biên, Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1: tác gia các sách Hán Nôm, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, Tr.323 - 326)
[5]: Trong bảng thống kê cụ thể ở phần trên chúng tôi thấy Tư liệu của Thi Kinh được xuất hiện đến 29 lần. Tuy nhiên trong phần thống kê tóm tắt này, chúng tôi chỉ xét đến các trường hợp được trích dẫn một cách cụ thể, ở bài nào, phần nào nên có 27 trường hợp. Còn 2 trường hợp đó đều là những trường hợp trích dẫn một cách chung, khái quát nên chúng tôi không xếp vào bảng này.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] 集註 : 《詩 傳》 , , 1958 7 1 , 1958 7 1 刷。Chu Hy (người đời Tống) tập chú: Thi tập truyện, Trung Hoa Thư Cục, xuất bản và in lần đầu: tháng 7 năm 1958 tại Thượng Hải.
[2] Tạ Quang Phát dịch: Kinh thi, 2 tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 2004. [Dịch theo bản tiếng Trung: Thi kinh tập truyện 《詩 傳》 do Chu Hy chú đơđờđ   ].
[3] Thư kinh diễn nghĩa書經衍義 của  Lê Quý Đôn黎貴敦, kí hiệu A.1251 – Thư viện viện nghiên cứu Hán Nôm.
[4] Lê Quý Đôn黎貴敦, Kinh thư diễn nghĩa書經衍義, dịch giả Ngô Thế Long, Trần Văn Quyền, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
[5] Nguyễn Tuấn Cường: Tư liệu Kinh thi chữ Nôm – Lược quan về trữ lượng, đặc điểm, giá trị, bài viết tham gia Hội nghị quốc tế về chữ Nôm lần thứ 2, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) và Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Mỹ) đồng tổ chức, diễn ra tại Huế, 5/2006, hiện đăng tại địa chỉ website: http://nomfoundation .org/Conf2006/abstracts.html.
[6] Đỗ Thị Bích Tuyển, Bước đầu tìm hiểu ảnh hưởng của Kinh Thi trong văn chương Nôm Viêt Nam, in trong Thông báo Hán Nôm 2005, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, Tr.643-654.
[7] Trần Văn Giáp chủ biên, Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1: tác gia các sách Hán Nôm, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, Tr.323 - 326. 
Nguyễn Mạnh Sơn
Tháng 12/2009

(Bài viết được đăng trên  Thông báo Hán Nôm học năm 2009, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2010, tr 806 – 826)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét